Kỷ niệm huỷ chuyến bay nhớ đời

Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi Trương Gia Giới - Phượng Hoàng Cổ Trấn có lẽ là trải nghiệm bị huỷ chuyến bay (cancelled, chứ không phải delayed!).

Hành trình 7 ngày 6 đêm Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn của gia đình Meo diễn ra suôn sẻ đến tận ngày cuối cùng. Những ngày ở Phượng Hoàng Cổ Trấn, cả nhà đều mong đợi tuyết rơi, để được ngắm ngôi làng cổ ngập tràn trong tuyết. Thế nhưng, đến tận ngày thứ 6, khi gia đình Meo di chuyển từ Phượng Hoàng Cổ Trấn và Trương Gia Giới, tuyết mới rơi, và giao thông bị nghẹt nguyên cả 1 quãng đường. Tuy nhiên, nhà Meo vẫn về được đến Trương Gia Giới khoảng 7h tối, ăn bữa ăn tạm biệt Trung Quốc thật ngon, để sáng hôm sau lên máy bay về lại Việt Nam.

Sáng ngày thứ 7, cả nhà lục tục ra sân bay từ 6h sáng. Sân bay vắng lặng như chùa bà đanh, nhân viên check-in của hãng hàng không bỏ đi đâu mất cả. Cô hướng dẫn viên chạy vòng vòng kiếm người hỏi, sau đó quay lại báo: Chuyến bay đã bị huỷ vì lý do thời tiết tuyết rơi quá nhiều! Hãng đưa ra 2 phương án: (1) ở lại Trương Gia Giới thêm 1 đêm, sáng mai bay nếu thời tiết ổn định, hoặc (2) tự đi đến Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, chi phí tự túc), rồi họ sẽ bố trí chuyến bay cho mình đến Quảng Châu, và về lại Việt Nam. Sau khi hội ý, cả nhà chọn phương án 1, ở lại Trương Gia Giới chơi thêm 1 ngày. Tối hôm đó, Tí thức canh trên google xem chuyến bay ngày hôm sau có diễn ra hay không (tuỳ thuộc vào chuyến Quảng Châu bay đi Trương Gia Giới tối hôm trước có được bay đúng lịch không). 10h đêm, google thông báo chuyến bay đó bị huỷ, nghĩa là chuyến bay ngày hôm sau chiều về cũng bị huỷ.

Lo lắng không biết khi nào maý bay mới bay lại từ Trương Gia Giới, cả nhà buộc phải đổi phương án, di chuyển đến Trường Sa vào sáng sớm hôm sau. 1 chiếc xe 16 chỗ được thuê ngay trong đêm, khởi hành từ 6h sáng để đến Trường Sa kịp buổi trưa, vì cô Hướng dẫn viên đã book được chuyến bay từ Trường Sa đi Quảng Châu lúc 2h chiều, sau đó từ Quảng Châu về Sài Gòn lúc 7h. Vậy mà xe mới chạy được đến trạm vào đường cao tốc thì bị chặn lại, bắt phải dừng vì xe lớn hiện tại không vào được cao tốc (trời tuyết nữa chăng?!). 8 giờ sáng, sau khi ngồi chờ trong xe gần cả tiếng, tài xế quyết định chạy ngược lại Trương Gia Giới vì không thể đi tiếp được, và thả đoàn xuống nhà ga xe lửa. Phương án lại thay đổi, đoàn mua vé xe lửa đi Trường Sa, và ngồi khấn sao cho chuyến bay từ Trương Sa khởi hành trễ, thì mới kịp giờ. May mắn không mỉm cười, khi đến Trường Sa thì đã là 2h chiều, và chuyến bay khởi hành đúng giờ nên đoàn bị trễ chuyến. Hành trình mới lại được vạch ra: đi tàu nhanh đến Quảng châu, rồi đổi chuyến chiều về từ Quảng Châu chuyến trễ nhất trong ngày, vào 10h đêm. Được một cô Hướng dẫn viên khách ở Trường Sa (người quen của cô Hướng dẫn viên Trương Gia Giới) dẫn đi tàu subway đến bến tàu nhanh, và mua vé giùm, tụi mình đã yên tâm cầm trên tay vé 4h đi Quảng Châu, đến vào lúc 7h. Vậy mà, rủi ro chưa dừng ở đó. Đến giờ khởi hành, đúng chuyến tàu đó lại bị trễ, và dự kiến sẽ xuất phát trễ tới 90 phút, hoặc hơn. Nếu chờ chuyến tàu này nhà Meo lại có khả năng tiếp tục trễ máy bay. Lúc đó, cả nhà chỉ biết lầm bầm: Chuyến cần trễ thì không trễ, lúc cần đúng giờ lại delay. Tí cùng chị Meo buộc phải chạy đôn chạy đáo đi đổi vé, với vốn tiếng Tàu ít ỏi Tí vừa phải xin xỏ đổi vé tàu khác sớm hơn, vừa phải năn nỉ chen hàng vì người ta xếp hàng dài thiệt dài để đổi vé. Cuối cùng cũng đổi được vé cho cả đoàn, nhưng một mình Tí bị xếp cho đi một chuyến tàu khác sớm hơn, đi một mình, trong khi cả nhà đi chuyến sau, mỗi người một toa! Đến Quảng Châu, nhà ga mênh mông nên Meo & Tí phải gọi điện chạy vòng vòng mới tìm thấy nhau, lúc gặp được ôm nhau mừng mừng tủi tủi, thì kế bên ba liền nhắc Lo mà đi nhanh nhanh không lại trễ nữa bây giờ. Đoàn lại rồng rắn kiếm đường đi subway đến sân bay, đến được sân bay là những người check in cuối cùng xếp hàng lên máy bay!

Chuyến đi nghỉ dưỡng dành cho hội phụ lão trên 60, vậy mà đến ngày cuối cùng các mẹ các ba phải rồng rắn vất vả chạy theo các con hết từ điểm này đến điểm khác, cả ngày không có một bữa ăn đàng hoàng, chỉ kịp ăn bánh quy và hamburger chống đói, mà không ai dám than một lời, sợ làm nhụt chí đồng đội :). Trên máy bay, yên tâm được về nhà, người Meo rã rời, mất hết sức lực, chìm vào trong giấc ngủ, không cần ăn uống gì, cho đến khi máy bay hạnh cánh xuống đường băng Tân Sơn Nhất.

Đối với Meo, những hành trình khó khăn, khi vượt qua rồi, sẽ là những hành trình thú vị và khó quên hơn những chuyến đi suôn sẻ. Cũng như khi đi phuợt, đi du lịch bụi, sẽ thú vị hơn bạn đi tour, được chăm sóc đến tận răng. Những bài học Meo tổng kết được cho mình sau chuyến đi đáng nhớ vừa rồi:

  1. Expect the unexpected – Rủi ro ở bất kỳ nơi đâu, lúc nào, và luôn mong đợi những điều bất ngờ sẽ xảy đến. Nếu có tâm lý như vậy, khi khó khăn xảy đến, bạn sẽ sẵn sàng tâm lý để ứng phó.
  2. Chuẩn bị dư tiền và luôn có phương án đề phòng. Khi rủi ro xảy ra, một điều không thể tránh khỏi là bạn sẽ tốn thêm tiền: tiền khách sạn ăn uống nếu phải ở thêm, tiền phương tiện di chuyến, đổi chuyến bay…Nếu bạn chỉ chuẩn bị đem đúng số tiền dự trù, bạn sẽ gặp khó khăn. Lúc nào đi đâu cũng nên đổi dư tiền mặt, và đem theo thẻ Visa/ tín dụng để khi cần có thể rút tiền. Tiền mặt nên chia ra nhiều ngăn cất nhiều chỗ, nếu đi nhiều người thì chia bớt ra giữ để đề phòng rủi ro, thẻ cũng nên để chỗ khác để sử dụng khi gặp bất trắc nếu bị mất tiền/ trấn lột tiền.
  3. Safety first – Tính mạng và an toàn là trên hết. Khi phải đứng trước nhiều sự lựa chọn, luôn nhớ rằng phải chọn phương án nào an toàn nhất, chứ không phải phương án nào rẻ nhất. Bạn cũng nên mua bảo hiểm du lịch cho chuyến đi, và tìm hiểu kỹ các điều kiện của bảo hiểm để có thể giải quyết khi gặp vấn đề tốt nhất. Bảo hiểm du lịch có nhiều cấp độ, có thể bao gồm sinh mạng, bệnh tật, kể cả bồi thường khi chuyến bay bị hoãn, bị huỷ, mất hành lý…Cũng nên chọn đơn vị bảo hiểm uy tín, dịch vụ khách hàng tốt. Như trường hợp gia đình Meo, nếu claim bảo hiểm du lịch thì mỗi người có thể được bồi thường lên tới 10 triệu đồng, tuy nhiên hiện tại hồ sơ vẫn đang bị ngâm chưa được giải quyết (sau 2 tháng), không biết cuối cùng có được tiền không.
  4. Thêm một điều nữa là ngoại ngữ rất quan trọng. Nếu bạn đi Trung Quốc, nên đi với người biết một chút tiếng Trung Quốc, hoặc nếu không thì phải thuê hướng dẫn viên (freelance tour guide). Người này sẽ giúp được nhiều trong hành trình, và đặc biệt hữu ích trong những trường hợp gặp phải sự cố như thế này. Họ sẽ giúp liên hệ, trao đổi với hãng máy bay, tàu xe, hướng dẫn đường đi nước bước, làm thông dịch viên, hướng dẫn viên, động viên…
  5. Và cuối cùng, hãy ôm lấy khó khăn, vượt qua nghịch cảnh, và tận hưởng mọi thứ như một trải nghiệm không thể quên trong đời!

Xem tiếp: Cẩm nang toàn tập Kinh nghiệm du lịch Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn 

Leave a Reply to homedy Cancel Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes:

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>