Du lịch Tây Ban Nha

I. Kinh nghiệm xin visa Tây Ban Nha

  • Tây Ban Nha nằm trong khối Schengen, một visa có thể đi tất cả các nước. Bạn có thể xin visa qua một nước khác mà nhiều người đồn là dễ hơn như Pháp, Hà Lan… tuy nhiên bạn phải mất công chuẩn bị lịch trình có liên quan để nộp hồ sơ. Do lịch trình nhà mình đi Tây Ban Nha – Bồ Đào Nha nên nộp hồ sơ xin visa Tây Ban Nha.
  • Hồ sơ xin visa Tây Ban Nha từ TPHCM không nộp trực tiếp cho Lãnh sự quán mà nộp qua một bên dịch vụ nhận hồ sơ được chỉ định là Trung tâm ứng dụng thị thực Tây Ban Nha
  • Bạn truy cập vào website của trung tâm ứng dụng thị thực này để tìm hiểu chi tiết bộ hồ sơ xin Visa và đặt lịch hẹn nhé. Phần chi tiết hồ sơ thì mình không nói thêm. Các bạn có tham khảo kinh nghiệm xin visa Mỹ hoặc kinh nghiệm xin visa Anh Quốc (UK) để chuẩn bị tương tự.
  • Bạn có thể thuê dịch vụ làm visa, tuy nhiên kinh nghiệm xin visa Tây Ban Nha của nhà mình là họ chỉ giúp chuẩn bị hồ sơ và đặt lịch hẹn giúp, còn bạn vẫn phải có mặt trực tiếp để chụp hình, lấy vân tay… Nếu bạn nào có kinh nghiệm xin visa tự túc các nước khác rồi thì tự làm để tiết kiệm khoảng 120$ tiền phí dịch vụ nhé.

II. Di chuyển và đi lại ở Tây Ban Nha

  • Từ TPHCM hay Hà Nội không có đường bay thẳng đến Tây Ban Nha mà phải transit qua một nước thứ 3. Có rất nhiều lựa chọn về các đường bay. Đợt nhà mình đi do cần tích điểm Skyteam nên chọn bay Vietnam Airlines, transit ở Franfurt, Đức. Sau đó nối chuyến của Air Europa đến Madrid, Tây Ban Nha.
  • Từ Madrid bạn có thể đi tàu lửa xuống Sevilla bằng hệ thống tàu Renfe. Đặt vé tại đây http://www.renfe.com/EN/viajeros/index.html. Giá 1 chiều khoảng 60EUR. Nếu bạn đặt sớm sẽ có giảm giá còn khoảng 36EUR. Hành trình mất 3h.
  • Để di chuyển trong nội thành tại các thành phố lớn của Tây Ban Nha (và cả Bồ Đào Nha), bạn có thể sử dụng ứng dụng MyTaxi (sử dụng giống Uber/Grab)
  • Nhà mình thuê xe tự lái để đi chơi các thị trấn trong vùng Andalucia. Bạn có thể đặt trước xe tại đây. Thường các hãng cho thuê xe có điểm nhận/trả xe tại ga, sân bay. Nhà mình thuê con Mercedes 7 chỗ, tổng cộng tiền thuê, bảo hiểm linh tinh là 550EUR cho 4 ngày.

III. Chọn chỗ ở ở Tây Ban Nha

  • Ở Châu Âu di chuyển cũng khá đắt đỏ, nên bạn cố gắng chọn chỗ ở có vị trí trung tâm để đỡ khoản này. Nếu đi đông như nhà mình thì nên thuê các căn hộ airbnb, ở cũng thoải mái mà có thể nấu ăn, giặt giũ, tiết kiệm cũng kha khá.
  • Trong suốt chuyến đi thì mình thích nhất căn hộ ở Sevilla. Căn hộ nằm trên tầng 2 của một toà nhà chung cư, trong một khu dân cư yên tĩnh. Gọi là chung cư chứ cũng chỉ có 3-4 tầng thôi. Trung bình một căn hộ 3 phòng ngủ cho 6 người có giá từ 150-250 EUR/đêm.

    Căn hộ ở Sevilla

    Căn hộ ở Sevilla

IV. Ăn uống ở Tây Ban Nha

  • Đầu tiên là phải thử món đặc sản đùi heo muối của Tây Ban Nha – Jamon Iberico. Jamon là kiểu ham, jambon, còn Iberico là chỉ bán đảo Iberia gồm Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Món này bạn có thể gọi dễ dàng trong các nhà hàng. Ngoài ra thì cũng có những shop chỉ chuyên bán món này cùng với rượu, bạn có thể mua về nhà để nhắm. Trong các shop chuyên bán đùi thì đùi được trưng bày thành hàng dãy, nhìn rất hoàng tráng. Giá của loại thịt này là khoảng 15-20 EUR/100g, tức là 150-200 EUR/kg. Bạn có thể mua 1-2 lạng tuỳ ý. Người bán sẽ dùng máy để cắt ra cho bạn. Dù được muối rồi xông khói và để rất lâu (vài năm) nhưng khi cắt ra thịt vẫn còn đỏ, hơi ướt, mềm và rất tươi. Ăn vào vị thịt ngọt và thơm, nhấm nháp cùng rượu vang đỏ cũng thấm.

    Đùi heo muối Iberia

    Đùi heo muối Iberia – Jamon Iberico

  • Món tiếp theo là món prawn pil pil (sizzling prawn), tôm kho ngập dầu ô liu và tỏi. Món này phổ biến trong tất cả các nhà hàng và cũng dễ ăn với khẩu vị người Việt.
  • Bánh mì phục vụ cùng oliu, được tất cả các nhà hàng dọn ra đầu bữa ăn, như kiểu quê mình là dọn đậu phộng lên vậy. Không ăn thì trả lại nha, cũng 1 EUR/người đó.
  • Tapas, là tên gọi chung của các món ăn nhẹ khai vị. Thường thì không có món cố định mà tuỳ nhà hàng đó vào ngày hôm đó có sẵn món gì. Bạn có thể gọi 1 set vài món tapas lên ăn chung.
  • Shangria: là món đồ uống được pha từ rượu vang, trộn với trái cây, uống có vị ngọt và thơm, rất dễ uống nên đừng uống nhiều quá mà xỉn.

    Shangria

    Shangria, rượu vang đỏ mix với dưa hấu, dưa gang

  • Bia ở Tây Ban Nha thì phổ biến nhất là Cruzcampo. Mình viết ra đây là vì họ có 1 vị là Cruzcampo chanh, uống như 7up pha với bia, cũng ngon, (cái gì ngọt ngọt là mình thấy ngon hết) các bạn nhớ gọi.

V. Lịch trình tham khảo

  • Ngày 0: Bay TPHCM – Quá cảnh Frankfurt – Madrid
  • Ngày 1: Di chuyển từ sân bay Madrid ra ga, bắt tàu đi Sevilla
  • Ngày 2: Tham quan Seville Cathedral & La Giralda, Real Alcázar
  • Ngày 3: Tham quan Plaza de Toros, Plaza de Espana
  • Ngày 4: Lấy xe khởi hành đi làng Frigiliana, chiều về ngủ lại tại Fuengirola (bạn cũng có thể thay bằng Malaga). Nhà mình ngủ đây để tiết kiệm hơn chút :’>
  • Ngày 5: Fuengirola – Setenil de la Bodegas – Ronda
  • Ngày 6: Ronda – Arcos De la Fonterra
  • Ngày 7: Arcos De la Fonterra – sân bay Sevilla – bay qua Bồ Đào Nha

Một số hình ảnh từ chuyến đi của nhà mình:

Plaza de Espana, Sevilla

Plaza de Espana, Sevilla

Real Alcazar

Real Alcazar, Sevilla

Làng Frigiliana, Andalucia

Làng Frigiliana, Andalucia

Arcos De la Fonterra

Cánh đồng hoa hướng dương gần Arcos De la Fonterra

Xem thêm: Mùa hè Địa Trung Hải