‘To kill a mocking bird’ là cuốn tiểu thuyết kinh điển của nhà văn Nelle Harper Lee, xuất bản năm 1960, nói về bất công trong xã hội Mỹ thời ấy và nạn phân biệt chủng tộc. Truyện kể về một phiên toà một người da đen bị buộc tội oan cưỡng hiếp một cô gái da trắng. Một luật sư da trắng đứng ra bảo vệ, và sự việc được đưa ra ánh sáng rõ ràng mười mươi là người đàn ông da đen tội nghiệp bị buộc tội oan. Tưởng rằng hắn ta sẽ được tuyên án vô tội, thế nhưng, sau cả buổi thảo luận riêng dài đằng đẵng, toàn bộ bồi thẩm đoàn (là những người được chọn từ dân, đại diện dân) đã kết án người đàn ông da đen có tội. Bởi trong cái xã hội ấy, chẳng cần biết đúng sai, người da đen luôn có tội.
Chuyện chẳng liên quan gì, nhưng chẳng hiểu sao trưa nay khi nhìn thấy kết quả phiếu bầu của Quốc hội, tôi bỗng liên tưởng đến Bồi thẩm đoàn trong phiên toà oan nghiệt kia. Tôi tin rằng từng thành viên Quốc hội đều nhận thức được chuyện gì đang xảy ra bên ngoài hội trường, và tác động của những dự thảo lên suy nghĩ hành động của người dân như thế nào. Chưa cần biết đúng sai, nhưng nếu nói Quốc hội đại diện cho lá phiếu của nhân dân, thì rõ ràng chúng ta đã chọn mẫu sai và có một quốc hội ko mang tính đại diện. Cái kết quả hơn 86% đồng thuận, cũng giống như những lá phiếu ‘Có tội’ của bồi thẩm đoàn trong câu chuyện trên, họ nhấn nút đồng ý vì rất nhiều lý do khác, mà trong đó không có lý do vì những người họ đang đại diện.
Trong truyện, có một câu nói của ông luật sư da trắng dạy con mà tôi nhớ mãi: “con chim nhại là một giống loài vô hại, nên giết con chim nhại là một tội ác!”
Hy vọng, ở thế kỷ 21, trên đất nước Việt Nam, không có con chim nhại nào bị chết oan!