Du lịch bụi đã dạy tôi điều gì?

Khi còn nhỏ, những chuyến du lịch của tôi đều theo dạng bị động – nghĩa là đi theo tour, có người sắp xếp sẵn lịch trình, có xe đưa đón, có sẵn hướng dẫn viên, đến địa điểm tham quan chỉ việc xuống ngắm cảnh, nghe thuyết minh, và chụp hình. Do đó, đôi khi ngay khi về nhà, đã quên mất tên địa điểm mình vừa được đặt chân đến.
Mãi đến năm 22 tuổi, khi sang nước ngoài du học, tôi mới lần đầu tiên biết thế nào là du lịch bụi, thế nào là canh vé xe vé tàu rẻ, thế nào là ở dorm chung phòng cùng những người lạ, thế nào là suy nghĩ đắn đo lựa chọn điểm đến tiếp theo là gì. Và cũng từ đó, tôi giã từ những chuyến du lịch thể bị động kia, vì du lịch bụi đã thật sự mở ra cho tôi một thế giới mới.
Sau 8 năm rong ruổi trên những con đường, với những chuyến đi ngắn dài đã không còn đếm được, xin được chia sẻ với bạn 8 bài học lớn mà du lịch bụi đã dạy cho tôi:

1. Tự lên kế hoạch cuộc đời mình

Du lịch bụi nghĩa là bạn phải tự lên kế hoạch cho chuyến đi của mình: ăn gì, ở đâu, đi đâu, và chơi gì. Điều tiên quyết để có được một kế hoạch hoàn hảo là hiểu rõ sở thích của bản thân và (những) người bạn đồng hành để lựa chọn điểm đến, chỗ ăn ở và các hoạt động giải trí phù hợp. Ngoài ra, bạn cần phải rèn luyện kỹ năng tìm hiểu và chắt lọc thông tin từ nhiều nguồn (từ người thân, bạn bè, đến thông tin & reviews trên mạng), để hoàn thiện kế hoạch của mình, trong giới hạn ngân sách cho phép.

Lên kế hoạch cuộc đời cũng có nhiều điểm tương đồng. Ta cần xác định mình thích gì, mình có gì, khả năng của mình là gì, từ đó lên chiến lược cuộc đời, vẽ ra con người mình muốn trở thành trong 1-3-5 năm tới, và các kế hoạch để thực hiện, dựa vào rất nhiều nguồn thông tin chắt lọc được, cũng như những kinh nghiệm và vốn liếng mình tích luỹ được qua nhiều năm.

Tuy nhiên, dù đang lên kế hoạch chuyến đi hay cuộc đời, thì có một điều tôi luôn nhắc nhớ bản thân mỗi ngày: Thế giới ở bên ngoài cánh cửa, nên cho dù việc lập kế hoạch cần thiết đến đâu, thì điều quan trọng nhất vẫn là bước ra khỏi cánh cửa, và can đảm đặt một bước chân đầu tiên lên con đường mình đã chọn.

“The journey of a thousand miles begins with one step.”

2. Vượt qua những rào cản

Có rất nhiều những rào cản và nỗi sợ ngăn cản quyết định xách ba lô lên đường đi khám phá một vùng đất mới. Đó có thể là những lý do về thời gian, tiền bạc, hay những rủi ro có thể gặp phải khi đi trên đường. Tuy nhiên, nếu đã thật sự quyết tâm, thì bất kỳ ai cũng có thể thực hiện những chuyến du lịch bụi. Tôi đã học được cách vượt qua những rào cản bằng cách sắp xếp thứ tự cho những ưu tiên, phân bổ và cân bằng thời gian, và lên kế hoạch cũng như tiết kiệm tiền cho những ưu tiên của mình. Tôi cũng học được cách trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức cần thiết để xử lý những trường hợp rủi ro trên đường như bệnh tật, tai nạn, hay chỉ đơn giản là khi bị lạc đường.

Và trên tất cả, những gì tôi có được trong và sau những chuyến đi vẫn đáng giá đủ để tôi có thể vượt qua những rào cản và nỗi sợ ấy. Đó không chỉ là những giờ phút vui vẻ khi đi chơi, mà còn là một phần mới của thế giới mà tôi khám phá được, một góc nhìn mới về cuộc sống mà tôi chưa bao giờ thấy, những con người mới mà tôi được làm quen, và những trải nghiệm mới đủ để tôi ghi nhớ đến suốt cuộc đời. Ngẫm lại, không chỉ du lịch bụi, mà trong cuộc sống trước bất kỳ quyết định cuộc đời nào cũng luôn có vô vàn nỗi sợ và rủi ro. Nhưng nếu niềm tin về thành quả và giá trị đạt được sau cùng của bạn đủ lớn, bạn sẽ luôn tìm ra cách để vượt qua những rào cản kia.

3. Tận hưởng cuộc sống

Du lịch bụi nghĩa là tự lên kế hoạch đi và tiết kiệm để đi được nhiều hơn, lâu hơn, và sâu hơn. Nhưng du lịch bụi cũng không đồng nghĩa với việc hành xác chỉ để được đi, hoặc luôn chọn những option rẻ tiền nhất và bỏ qua những trải nghiệm đáng giá. Bạn cần phải biết lúc nào nên đầu tư và chi tiền để có được những giây phút quý giá tận hưởng cuộc sống.

Du lịch bụi đã dạy tôi biết cách tận hưởng cuộc sống vào những khoảnh khắc đặc biệt như vậy. Đó là lúc được ăn cây kem Gelato huyền thoại thứ hai ở Florence, vào đêm cuối trước khi chia tay thành phố này. Hay khi được chễm chệ dẫn đi đường riêng không phải xếp hàng vì mua loại vé Express Pass khi đi tham quan Sky bridge – cây cầu trên không nổi tiếng ở Langkawi, Malaysia (mặc dù sau đó vô cùng tiếc tiền). Hoặc là lúc may mắn thuê được một căn biệt thự airbnb đẹp như mơ trên đỉnh đồi ở thành phố Wellington, New Zealand, và cả gia đình cùng ngồi trong nhà uống rượu vang (mua ở siêu thị), ăn bò beefsteak (tự nướng), và ngắm hoàng hôn.

Ngắm hoàng hôn ở New Zealand

Ngắm hoàng hôn ở New Zealand

4. Trải nghiệm thử thách

Hành trình khó khăn nhất tôi từng trải qua là quãng đường 2 ngày 1 đêm leo lên đỉnh Fansipan 3143m. Trên đường đi, đã nhiều lúc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, nhưng vẫn dặn lòng: Cứ cố mà đi, rồi cuối cùng cũng sẽ đến được thôi. Giây phút hạnh phúc nhất không phải là lúc đặt chân được lên đỉnh núi mà là lúc hoàn thành chặng đường, thoát khỏi bìa rừng vào lúc trời tối om, và biết được mình đã chinh phục được trọn vẹn thử thách này. Vượt qua những thử thách như vậy giúp tôi tự tin vào khả năng tiềm ẩn của bản thân, để mỗi khi gặp bất kỳ khó khăn nào trong đời, cũng có thể dũng cảm đương đầu như đã từng chinh phục ngọn núi cao nhất Việt Nam.

Chinh phục thử thách Fansipan

Chinh phục thử thách Fansipan

5. Kết bạn với người lạ

Du lịch bụi cũng là những cơ hội để ta có thể làm quen với những người bạn mới. Chính những con người ta gặp trên đường đi mới làm cho chuyến đi của ta trở nên thú vị và đáng nhớ hơn. Đối với tôi, đó là anh bạn người Levent Thổ Nhĩ Kỳ làm quen được ở Seoul qua diễn đàn couchsurfing, là nhóm bạn tình cờ quen trên đường leo núi Langbian ở Đà Lạt, và vô số những người bạn mới gặp được trong những chuyến đi phượt cùng bạn bè, mà mỗi con người là một câu chuyện thú vị, luôn chờ ta khám phá.

6. Tin tưởng vào những điều tốt đẹp của thế giới

Trên đời có rất nhiều điều đáng yêu và dễ thương mà khi bị cuốn đi trong guồng quay của cuộc sống thường nhật, ta không nhận ra hoặc quên mất. Thỉnh thoảng tôi lại liệt kê trong đầu ra những niềm vui bé nhỏ mà mình gặp được trên đường đi, những con người tốt bụng đã từng chỉ đường, giúp đỡ, nói chuyện, hoặc chia sẻ cùng ta một vài khoảnh khắc đáng nhớ, để luôn có thể tin tưởng vào những điều tốt đẹp của thế giới quanh ta.

7. Mọi chuyện đều có thể xảy ra – quan trọng là cách bạn đương đầu với nó

Năm 2010, tôi thực hiện một chuyến du lịch bụi vòng quanh 7 nước Châu Âu trong 3 tuần. Mặc dù đã lên kế hoạch và lịch trình rất kỹ lưỡng, nhưng có những điều bất ngờ xảy ra trong chuyến đi mà tôi đã không dự đoán trước. Và việc bất ngờ nhất là vào ngày tôi từ Amsterdam chuẩn bị quay trở lại Anh, thì núi lửa ở Châu Âu phun trào, và tất cả các sân bay ở Châu Âu đều đóng cửa, giao thông bị trì trệ. Đó là 1 trải nghiệm ko phải ai cũng có được, khi chứng kiến hệ thống giao thông hiện đại ở Châu Âu hỗn loạn trong trật tự như thế nào, cũng như chứng kiến đủ mọi cảm xúc hỉ nộ ái ố của những con người đủ mọi quốc tịch màu da khi gặp phải sự cố. Trong hoàn cảnh hỗn loạn khi người người sẵn sàng chi nhiều tiền tìm đường về nước, tôi may mắn chỉ bị kẹt lại một vài ngày, và tìm được đường vòng quay về Anh (với giá rẻ): đi tàu lửa từ Hà Lan về Paris, từ Paris về Le Havre và đi phà (quân đội) về Porstmouth (Anh). Vậy mới thấy, không gì là không thể xảy ra, và trong những lúc tưởng như là không có cách giải quyết, thì ta vẫn có thể xoay sở tìm được đường ra.

Còn có rất nhiều điều bất ngờ không may mắn ngoài kế hoạch xảy đến trong những chuyến đi du lịch bụi của tôi. Tôi tập làm quen với nhận định “Mọi chuyện đều có thể xảy ra – quan trọng là cách bạn đương đầu với nó”. Và nhận ra chính những điều gặp tình cờ trên đường và những việc xảy ra ngoài kế hoạch mới là những cái mình nhớ đến nhiều nhất sau mỗi chuyến đi, và cũng là cái hay của đi du lịch bụi.

8. Trân trọng cuộc sống ở nhà

Trong tiếng Anh có một cụm từ “take it for granted”, nghĩa là xem điều gì đó là tất nhiên mà không trân trọng nó. Chẳng hạn như việc hàng ngày về nhà, có một người chờ sẵn ở nhà nấu cơm cho ta ăn. Hoặc như mẹ ta, ngày nào cũng cằn nhằn, sao về đến nhà mà không lấy khăn che yên xe lại để mèo khỏi cào nát yên, và lại lúi húi che xe thay cho con gái. Những việc đó quá đỗi bình thường vì nó diễn ra hàng ngày, lặp đi lặp lại, khiến ta không nhận ra được giá trị thật sự của nó, mãi đến khi những điều đó không còn nữa.

Nhờ có những chuyến đi xa, những ngày cơm đường cháo chợ không hợp khẩu vị, những đêm ngủ không yên giấc trên giường lạ, những phút mệt mỏi khó tránh được trên những cung đường, những khoảnh khắc cô đơn nơi xa lạ, mà tôi mới cảm thấy nhớ, cảm thấy thương những điều bình dị ở nhà, và trân trọng hơn bao giờ hết gia đình mình, ở một nơi gọi là nhà mình.

Đi xa, là để trở về, và khi về, ta nhận ra nhà mình luôn là nơi tuyệt vời nhất!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes:

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>