25.04.2015
Điểm đến chính của hôm nay là tu viện Lamayuru, cách Leh 110km về phía Tây. Trên đường đi đoàn dừng lại nhiều lần vì cảnh sắc rất đẹp, đặc biệt là chỗ ngã ba hợp lưu sông Indus và sông Zanskar, nơi hai dòng màu xanh và màu nâu giao nhau.

Ngoại ô của Leh

Ngoại ô của Leh

Ladakh là khu vực biên giới, vẫn thường xảy ra các xung đột lãnh thổ nên các doanh trại quân đội đặt dày đặc trên đường đi.

Cảnh trên đường đi rất đẹp. Giống roadtrip ở Mỹ ha.

Sông Indus. Nhìn hình này giông giống Nho Quế quê mình không?

Ngã 3 hợp lưu sông Indus và sông Zanskar
Cách Leh khoảng 60km là tu viện Likir. Nhìn từ ngoài vào, tu viện Likir nổi bật trên nền tuyết trắng, bên trong thì cũng tương tự như các tu viện khác. Trong khuôn viên tu viện có bức tượng Phật lớn, lúc mình đến đó thì có một người đàn ông đang cầu nguyện. Người đàn ông đứng lên, qùy xuống, nằm sấp sát mặt sàn, miệng liên tục đọc kinh, sau đó đi vòng quanh tượng theo chiều kim đồng hồ. Lúc sau mới biết ông ta là thầy giáo của một ngôi trường kế bên. Cả đoàn ghé vào thăm trường học.

Tu viện Likir

Tượng Phật tại tu viện Likir

Người đàn ông cầu nguyện rất thành tâm tại tu viện Likir
Trường học để biển hiệu “Tất cả khách tham quan đều được chào đón. Có trà đen phục vụ”. Lúc đó vừa hết giờ ra chơi. Khoảng 40-50 em học sinh, đứa nhỏ nhất chừng 3-4 tuổi, đứa lớn nhất 11-12 tuổi xếp hàng ngay ngắn, so hàng như hồi đó mình đi học. Cả đoàn lấy maý ảnh bấm lia lịa. Tụi nhỏ, trong đồng phục hồng y giống các nhà sư Tây Tạng, nhìn đám du khách với ánh mắt lạ lẫm, tò mò, miệng vẫn phải lẩm bẩm đọc kinh. Một lúc sau có các thầy đến bắt chuyện và mới đoàn vào uống trà, nhưng đoàn mình phải từ chối vì phải tiếp tục hành trình. Thầy nói tiếng Anh lưu loát, và tụi nhỏ cũng được dạy tiếng Anh từ bé. Trên đường đi ra thì thấy khẩu hiệu “Free Tiber” (Giải phóng Tây Tạng – Tí). Đây là cộng đồng những người Tạng mất nước, tị nạn trên đất Ấn. Có thể thấy khẩu hiệu này ở nhiều nơi ở Leh.

Ngôi trường gần tu viện Likir
Đoàn tiếp tục lên đường đến tu viện Lamayuru. 20km cuối trước khi đến tu viện là con đường đáng sợ nhất mình từng đi. Đường hẹp chỉ vừa 1 xe ô tô, vực sau hun hút không có rào chắn. Mỗi lần tránh xe ngược chiều là xe sát mép vực trong gang tấc. Tài xế chạy khá nhanh. Mỗi lần đến khúc cua là mỗi lần thót tim. Có đoạn xém đụng xe ngược chiều, cả đoàn sợ quá nên phải yêu cầu chạy chậm laị.

Tất cả các lữ khách trong chuyến xe hôm đó đều đồng tình rằng Tứ đại đỉnh đèo ở Việt Nam khó mà so sánh được, đây mới là ‘Mother of đèo”. Đến một khúc cua gắt và phải tránh xe ngược chiều, có vị lữ khách, giọng vừa phấn khích vừa hoảng sợ, thốt ra 1 câu ko biết là danh từ hay thán từ: “đèo mẹ!”

Đường đến tu viện Lamayuru

Tu viện Lamayuru, một trong những tu viện cổ nhất Ladakh, có từ thế kỷ 11.

Công nghệ đúng là có sức lan toả, đến cả những nơi xa xôi hẻo lánh, địa hình hiểm trở. Tai nghe bluetooth hả, cũng thường thôi.
Lamayuru cũng giống những tu viện khác. Rõ ràng các tu viên đều giống nhau, chỉ khác view bên ngoài.
Tham quan xong, đoàn đi làng Alchi, một ngôi làng nhỏ có tu viện cùng tên. Quang cảnh của ngôi làng rất đẹp với những con ngõ nhỏ, cây cối xanh mát, rãnh nước trong vắt.

Làng Alchi
Cả nhóm về đến Leh là 7h tối, nấu mì gói bắc ghế ra giữa sân ăn.
Tóm tắt hành trình đi về phía Tây của Leh:

Hành trình đi về phía Tây thị trấn Leh
Xem tiếp phần 3: Hành trình Ladakh – đi về phía Đông: đèo Chang La (đèo cao thứ 3 thế giới), hồ Pangong
Xem lại: Kinh nghiệm du lịch bụi Ladakh toàn tập