Có khùng, thì ta mới dám bỏ chốn thành thị tiện nghi nhà lầu xe hơi, để chui lên rừng xới đất trồng cà phê. Cái khùng đầu tiên của tụi tui là dám quyết định mua mảnh đất vườn ở một nơi chốn xa xôi (in the middle of nowhere) chỉ sau 15 phút đi coi đất. Đó là một vườn cà phê Arabica nằm cách Đà Lạt 20km, phía sâu trong rừng, đường đi gập ghềnh sỏi đá khó đi. Vậy mà mới đến nơi là tụi tui đã chết mê chết mệt. Vườn nằm ở Thung lũng Nắng, lưng giáp đồi thông, và có một con suối trong vắt bao quanh. Đứng trên đồi nhìn xuống là bạt ngàn cây cà phê xanh mát, phóng tầm mắt ra xa là vườn cẩm tú cầu đang trổ bông ngút ngàn. “Đây chính là nơi mình đang tìm kiếm – nơi chốn cho một second home ở Đà Lạt”, và thế là Twin Beans farm ra đời từ ngày ấy.
Theo lẽ dĩ nhiên, biến một khu vườn cà phê thành một nơi chốn trong mơ không hề dễ dàng. Một năm rưỡi sau ngày hôm ấy là một khoảng thời gian vất vả với Tí – chủ dự án xây dựng cái farm này. Có những ngày khuân vác không hết việc, nhiều đêm không yên giấc trên căn gác gỗ giữa nơi chốn khỉ ho cò gáy một mình, khó khăn tứ bề, Tí – chủ farm – kiêm culi, đã từng khóc than về sự “khùng” của mình. Vậy mà, từ từ, và từ từ, từng người bạn đồng hành xuất hiện. Một cô bé nhỏ nhắn không ngại băng rừng vượt suối đi về 40km hàng ngày để làm thành viên “đa zi năng” đầu tiên của farm. Một anh chàng bartender người Philippines quyết định lên chốn núi rừng học làm đầu bếp. Một anh kỹ sư xây dựng thích mạo hiểm chuyên trị mở đường mở tour xuyên rừng vượt thác. Một cô bác sỹ thú y đam mê nghề pha chế xung phong làm tình nguyện…Bản danh sách cứ thế dài ra, của những con người lạ kỳ, không đóng khung mình trong những khuôn khổ và danh xưng nghề nghiệp. Và tui nhận ra họ thật may mắn, khi không phải làm những người khùng đơn độc.
Tui thích cái cách nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã lý giải về những người khùng nơi đây…
‘Bản liệt kê người “khùng” Đà Lạt sẽ còn dài lắm. Càng đi lại trong giang hồ, càng thấy mỗi người Đà Lạt có một chút tính cách nào đó của những người “ở trển”. “Ở trển” vì họ biết cách sống và thở với thiên nhiên rộng lớn, theo đuổi những mộng tưởng lạ lùng và biết cách rời lý trí hay tính toán thông thường của những kẻ ở trong đô thị chật chội.
Nhưng lý giải ra sao về chuyện những kẻ quen sống chốn huyên náo rộn ràng, quen chi ly và thận trọng quá mức, khi trở về Đà Lạt đều mong muốn tìm cho được nơi con người thành phố ấy những phẩm chất quá ư trái ngược với mình?
Có lẽ yêu người “khùng”, ta thèm “khùng”, ngưỡng mộ “khùng”, thích ôm vai bá cổ người “khùng” khi đến thành phố đó, cũng là vì từ lâu ta đã làm cho đời mình trở nên khổ sở, đơn điệu, vô vị với những thặng dư tỉnh táo. Từ lâu ta thèm “khùng” mà chẳng dám “khùng”, thèm yêu mà chẳng dám yêu đến nơi đến chốn, thèm lãng tử mà chỉ có thể lãng tử trong salon.
Ta đang nghèo nàn những mộng tưởng – điều mà bạn bè ta ở cái thành phố ấy rất giàu có. Đà Lạt không bao giờ cạn nguồn dưỡng chất tình yêu và sự bay bổng cho những cư dân và nghệ sĩ của mình.’
Cám ơn những người khùng đã chung tay xây dựng nên một cái farm không giống ai, và cám ơn những người bạn, người khách, không biết có khùng không, nhưng đã ghé qua, chia sẻ và yêu thương cùng tụi tui…
Tháng 9/2020
– Meo –